Các thành viên nữ của câu lạc bộ Mobylette Hóc Môn đều là những cô gái mê xe cổ với phong cách vui tươi, trẻ trung, không ngại khó ngại khổ, sống hết mình với thú đam mê.
Các thành viên nữ thường là người yêu hoặc bà xã của các thành viên nam trong câu lạc bộ xe cổ, nhưng cũng có khá nhiều người còn độc thân và trực tiếp cầm lái xe cổ. Nhìn chung, tỷ lệ thành viên nữ trong các hội chơi xe chiếm 30%, nhưng số thành viên nữ trực tiếp cầm lái thì ít hơn – khoảng 10%. Khác với những bóng hồng “nóng bỏng” cưỡi môtô phân khối lớn, các cô gái lái xe cổ trông khá bình dị qua trang phục đơn giản gọn gàng. Họ chỉ thể hiện nét mạnh mẽ qua cử chỉ lời nói, luôn quyết tâm kiên trì “bám xe bám đường” chẳng kém gì các thành viên nam.
Đều đặn mỗi dịp cuối tuần, họ lại hẹn nhau tại một quán cà phê lớn ở vùng ven Sài Gòn để cùng ngồi lại chia sẻ với nhau những mẩu chuyện thú vị ngộ nghĩnh quanh thú chơi xe cổ hoặc vạch kế hoạch cho những chuyến khám phá khắp nẻo đường đất nước bằng xe cổ. Bởi họ cho rằng chạy xe cổ là gìn giữ văn hóa, hơn thế nữa, giống như xe đạp đây cũng là cách tập thể dục, duy trì vóc dáng thêm thon thả. Bên cạnh đó, sử dụng loại xe này không phải bận tâm về giấy phép lái xe, cũng không lo hao nhiều tiền vì xăng xe.
Chiếc xe được các cô gái ưa thích không phải là loại Mobylette sườn lượn hoặc Mobylette xanh (vốn cứng chắc và mạnh mẽ phù hợp với nam giới), mà là mẫu Mobylette 2-3 đũa hoặc Mobylette xám với ưu điểm kiểu dáng đẹp, dịu dàng, thanh thoát. Khó khăn nhất là quyết định gắn bó với hội Mobylette Hóc Môn, vì cái tên này đã trở thành “hiện tượng khét tiếng” trong giới chơi xe cổ năm 2009 khi các thành viên liên tục cầm lái cả chặng đi và về trong mọi chuyến ngang dọc khắp Việt Nam, trong đó chuyến đi tạo ấn tượng khó quên nhất là hành trình 20 ngày TP HCM - Hà Nội cả đi và về đều bằng xe Mobylette (tính ra, ngày nào cũng chạy hơn 300km). Dĩ nhiên các thành viên nữ không thể chịu đựng nổi những chuyến đi dài hơi như thế, nhưng mỗi dịp hội ngộ đông đảo người chơi xe cổ tại Cần Giờ, Mỹ Tho, An Giang, Trà Vinh, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột…, họ đều tham gia đầy đủ và thậm chí là trực tiếp cầm lái.
Gương mặt nổi bật trong số đó là “nữ hoàng tốc độ” Lê Thị Mỹ Hòa, thành viên nữ kỳ cựu nhất và dày dạn kinh nghiệm lái xe máy cổ. Hiện Hòa đang sử dụng chiếc Mobylette xanh AV85 sản xuất năm 1967.
Mỹ Hòa bên chiếc Mobylette xanh AV85 của mình.
Từ khi học lớp 7, Mỹ Hòa đã biết lái xe Mobylette. Đến nay, cô đã có thâm niên tay lái trên 10.000 km. Gia nhập hội chơi xe cổ từ năm 2004 và nổi danh trong giới chơi xe cổ vào năm 2008 khi cùng em gái thực hiện hoàn hảo chuyến đi khứ hồi tốc hành TP HCM - Nha Trang. Đây là chuyến đi “để đời” của hai chị em, vì cả hai trực tiếp cầm lái Mobylette với tốc độ cao, xuất phát từ TP HCM lúc 4 giờ sáng và chạm ngõ thành phố Nha Trang vào buổi trưa cùng ngày. Sự cố bất đắc dĩ khó quên trong chuyến đi “bão táp” này là do chạy tốc độ cao liên tục nên động cơ xe bị quá nhiệt dẫn đến thủng piston, phải dắt xe mỏi nhừ cả người tìm ra chỗ hàn tạm piston rồi tiếp tục lên đường.
Mỹ Hòa khoe có lợi thế cha là thợ chuyên sửa và sưu tầm Mobylette nên cô và các chị em trong nhà thường được lái nhiều loại xe. Tuy nhiên, cô chỉ thích điều khiển Mobylette xanh vì xe này có khung sườn cứng vững với đầy đủ hệ thống giảm xóc ở cả hai bánh, khác loại Mobylette xám không có phuộc sau nên ngồi bị dằn xóc hoặc cảm giác thân xe bị đảo lắc khi ôm cua với Mobylette ba đũa. Ngoài ra, cô tập trung độ bình xăng con, kiểm tra hệ thống phanh, săm lốp và vành bánh xe để thỏa niềm đam mê lướt xe máy cổ với vận tốc nhanh như xe máy hiện đại. Hòa khẳng định xe cổ gọn nhẹ và kiểu dáng mềm mại phù hợp giới nữ mọi lứa tuổi. Điều quan trọng là xe dễ lái chứ không khó thao tác như tưởng tượng.
Ngọc Diễm tự tin điều khiển xe cổ.
Đối với cô công nhân Nguyễn Ngọc Diễm, số tiền trên 10 triệu đồng dành dụm mua xe là khá lớn và phải tích lũy mấy năm trời. Điều “oái ăm” là xe cổ ngày càng đắt tiền, xe để lâu càng tăng giá trị và dĩ nhiên là người muốn mua phải tốn nhiều tiền hơn. Kinh nghiệm là nếu thích xe nào thì phải quyết định mua nhanh vì nếu cũng chiếc xe ấy nhưng sang năm sau thì giá bán lại tăng thêm. “Gia đình và bạn bè đều khuyên tôi tìm mua xe máy mới nhưng vì đam mê nên tôi chọn chiếc Mobylette xám bầu sản xuất năm 1954, tốc độ hiện nay khoảng 70km/h. Đi xe này lỡ có bị pan dọc đường cũng không đẩy nặng như Vespa”, cô tâm sự.
Ngọc Diễm đã trực tiếp cầm lái chiếc xe này trong hành trình từ TP HCM đi Đà Nẵng năm 2008. Từ khi có xe cổ thì cô cũng tập tính bỏ bớt những thứ rườm rà để hành lý gọn nhẹ vì xe Mobylette không chở được nhiều. Cô thích nhất là động tác rướn người đạp lấy đà sau đó xe tự động chạy êm ru khiến ai cũng tò mò ngoái nhìn và hỏi han đủ điều, du khách nước ngoài thì cười toe và giơ ngón tay cái “number one”. Cô nhấn mạnh: “Nhiều người hẳn khó quên hình ảnh nữ diễn viên cưỡi Mobylette băng qua cánh đồng cỏ mênh mông trong một bộ phim tình cảm tâm lý xã hội Việt Nam vừa chiếu. Chính kiểu dáng cổ điển dễ thương của chiếc xe làm người phụ nữ trở nên đẹp hơn rất nhiều. Tiếc là thân xe không có nhiều mảng diện tích lớn nên tôi không thể vẽ hoặc dán thêm hình hoa văn ong bướm”.
Chuyên viên trang điểm Trần Thị Ngọc Duyên lại “bén duyên” với xe cổ trong một dịp đi ngang khu vực Nhà thờ Đức Bà (Quận 1, TP HCM) thấy từng tốp bạn trẻ lái xe cổ lướt phố như mây trôi bồng bềnh rất đẹp. Hiện cô sử dụng một chiếc Motobecane đạt chất lượng “chỉ cần vài guồng đạp nhẹ là xe có trớn lướt nhanh”. Tuy mới chạy xe cổ khoảng hai năm nhưng cô đã tham gia khá nhiều chuyến đi với các hội chơi xe, trong đó có hành trình vượt hàng trăm cây số từ TP HCM đến Đà Nẵng tham gia sự kiện Hội ngộ xe cổ ba miền năm 2008. Cô cho biết chuyến đi nào có thợ máy hỗ trợ kỹ thuật là các thành viên nữ càng thêm yên tâm giao lưu với nhau và cùng thực hiện các chuyến du lịch kết hợp làm công tác từ thiện xã hội.
Theo Nguyễn Thị Lan, thành viên một hội xe cổ, ấn tượng nhất trong một dịp du lịch miền Tây Nam bộ là hình ảnh cô chủ khách sạn Tân Vạn Xuân ở thành phố Cần Thơ lả lướt dạo phố mỗi sáng chủ nhật trên chiếc Mobylette hai đũa. Trông “người đẹp Tây Đô” thật duyên dáng bên chiếc xe cổ thiết kế đẹp. Tuy vậy, cô ngán ngại nhất là đang thong dong dạo phố thì chiếc xe cổ bỗng dưng trở chứng nằm tắc tị một chỗ, khi dẫn bộ đến các tiệm sửa xe gần đó thì chẳng tay thợ nào biết sửa, xoay xở mãi cuối cùng phải thuê xe chở về đúng tiệm chuyên sửa xe cổ thì mới thoát nạn. “Là phụ nữ, không phải ai cũng đem theo túi đồ nghề sửa xe nhưng trục trặc thường gặp của những con Mobylette là bu-gi không bắn lửa, loại bu-gi chân ngắn đúng catalogue lại rất khó tìm, nên tôi phải dự trữ bu-gi thông dụng”.
Đại diện ban chủ nhiệm các hội xe cho biết, luôn hoan nghênh sự tham gia của các thành viên nữ, vì sự góp mặt của họ như mang lại không khí mùa xuân tươi trẻ trong hoạt động tập thể. Không hiếm thành viên nữ ngày thường lái xe tay ga đời mới nhưng vẫn thích gắn bó trong những chuyến đi xa với xe cổ như một cách tự khẳng định bản lĩnh, sức bền và sự chung thủy với một biểu tượng xe cổ nổi tiếng.