Nhìn cảnh ngày nghỉ, các gia đình đưa con đi chơi, anh bảo, mình cũng thèm lắm những khoảnh khắc bình yên như thế, nhưng đối với những người lính hình sự như các anh thì hạnh phúc tưởng như đơn giản ấy là một điều xa xỉ. Anh là Lê Khắc Sơn, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm Phòng CSĐTTP về TTXH – CATP Hà Nội. Vừa mới đây, trong chuyến công tác đặc biệt lên Thái Nguyên để truy bắt đối tượng Nguyễn Đức Nghĩa, tên giết người man rợ gây hoang mang dư luận, anh là người đầu tiên siết cổ Nghĩa khi hắn đang nằm ngủ ngon lành trên phản.
Chi tiết về vụ án xác cô gái không đầu
Sơn còn nhớ, ngày xảy ra vụ trọng án giết người yêu của Nguyễn Đức Nghĩa, anh đang ở hiện trường, muộn lắm rồi, các tổ điều tra vẫn chưa xác định được đối tượng và nạn nhân. Không khí đặc quánh mùi hôi thối và chết chóc. Anh mệt bã người, định quay về cơ quan thì bất chợt nhìn thấy, một ông già người bé nhỏ hớt hải đi vào. Linh tính nghề nghiệp mách bảo anh rằng, dường như có một mối liên hệ nào đó giữa cô gái bị hại và người đàn ông mảnh khảnh này. Và quả đúng. Đó là người cha tội nghiệp của nạn nhân Nguyễn Phương Linh, ông linh cảm đó là con gái mình nên đã tìm đến đây cùng cậu con trai… và nút thắt đầu tiên đã được mở. Đến bây giờ anh vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh người cha liêu xiêu trong buổi tối mịt mùng ấy.
Sau khi gây án, Nghĩa xoá hết các dấu vết rồi trốn lên Thái Nguyên. Tổ công tác của anh được lệnh lên Thái Nguyên, phối hợp với các đồng nghiệp để dựng quan hệ và truy bắt tên Nghĩa. Sau gần 10h đồng hồ, được sự hỗ trợ nhiệt tình của các chiến hữu, các anh đã xác định chắc chắn Nghĩa đang trốn ở nhà một người anh họ.
Sau khi hội ý chớp nhoáng, toàn bộ ngôi nhà đã bị bao vây, Sơn cùng mấy anh em rón rén lên tầng 2 và nhìn thấy Nghĩa đang nằm ngủ trên một tấm phản, đầu giường kê một cuốn sách dày (chứ không phải hắn đang nằm đọc sách như một số báo đã đưa tin). Trông dáng người hắn to như con gấu, anh cũng thấy ghê lạnh. Không chần chừ, anh nhảy vào, một tay siết cổ, một tay cầm đai quần giữ chặt đối tượng. Tên giết người quá bất ngờ, hoảng loạn kêu ầm lên, anh nhanh tay giật ngay chiếc kính cận của hắn, tên giết người như loạng choạng không dám chống cự.
Sơn kể, lúc đó để trấn an Nguyễn Đức Nghĩa, anh bảo hắn đưa toàn bộ đồ dùng nộp cho cơ quan điều tra, hắn đưa ra một chiếc túi mà sau này anh mới biết Nghĩa đã từng dùng để đựng đầu cô bé Linh tội nghiệp để đem đi phi tang. Đến bây giờ anh vẫn rùng mình khi nhớ lại tình tiết đó. Sơn bảo, mặc dù đã trực tiếp bắt nhiều đối tượng gây trọng án nhưng chưa bao giờ có một tên giết người máu lạnh như Nghĩa, điều đó ám ảnh anh ghê gớm bởi sự biến thái của các loại tội phạm, ngày càng man rợ.
Xong chuyên án đó anh lại lên đường, bắt tay vào nhiệm vụ mới… Bọn tội phạm không bao giờ chùn tay, và vì thế nên công việc của lính hình sự như anh cũng không bao giờ ngơi nghỉ. Cuộc sống như một dòng chảy không bao giờ ngừng, với những người lính trẻ như các anh thì cuộc chiến đó càng cam go.
Chân dung người lính hình sự
Có ai đó đã từng nói, lính hình sự thì trông phải “đầu gấu”, “bặm trợn”, và “lỳ lợm” mới có thể trấn áp được bọn tội phạm. Nhưng tôi lại gặp một Lê Khắc Sơn khác ngoài đời, với cái dáng hơi “cồng kềnh”, nụ cười hồn hậu, cởi mở và cái vẻ rất lành. Lớn lên trong một gia đình truyền thống ở Thái Bình, các anh em đều theo nghề Công an, Sơn cũng không hiểu nguyên cớ từ đâu khi anh chọn cho mình con đường đầy nguy hiểm này. Có lẽ bắt đầu từ cái dáng to khoẻ rắn rỏi và hơi phủi bụi mà bạn bè vẫn hay thường trêu đùa anh là Sơn “cồng kềnh”. Nhưng hơn hết thảy là tính cách mạnh mẽ, ưa mạo hiểm của một chàng trai trẻ mà nếu được chọn lại, Sơn bảo anh cũng sẽ chọn làm lính hình sự.
|
Mặc dù có những lúc mệt mỏi bởi cuộc sống của bọn anh là những chuyến đi, khi về đến nhà thì đã bắt đầu sang một ngày mới, thậm chí có những ngày đi miết, để vợ con ở nhà thấp thỏm lo âu. Sơn nói mỗi vụ án xảy ra, bạn bè hay điện thoại hỏi, mình có thể trả lời nhưng với gia đình và đặc biệt là vợ, anh không bao giờ kể hết. Anh nói phần vì đi cả ngày nên về nhà, anh chỉ muốn tạo một không khí vui vẻ và cũng không muốn để vợ con phải lo công việc vất vả, có phần nguy hiểm mà hàng ngày mình phải đối mặt. Bởi ai cũng hiểu, trận tuyến mà anh cùng đồng đội mình đang chiến đấu vô cùng gian khổ và nguy hiểm.
Không có thời gian dành cho gia đình, đôi lúc Sơn cũng chạnh lòng. Nhưng có lẽ đó là cái nghiệp của đời mình rồi nên phải chấp nhận dù công việc thường ngày anh phải đối mặt không phải là nụ cười, niềm vui mà là những cảnh thương tâm, những sự phẫn nộ bất bình của người dân đối với các loại tội phạm. “Mình không làm thì dân sao tin. Dân không tin, tội phạm không sợ thì xã hội này thành loạn mất”. Đó là lý do thiết thực nhất khiến những cánh tay thép như Sơn và đồng đội luôn xông pha vào những trận tuyến ác liệt nhất.
Đến bây giờ Sơn còn nhớ như in kỷ niệm những ngày đầu đánh án. 22 tuổi, một sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp ra trường về công tác tại đội đấu tranh trên tuyến. Vụ đánh án Sơn nhớ nhất hồi đó là gần một tháng trời mò mẫn giữa cánh đồng Mễ Trì khi đó còn hoang vu để theo dõi một nhóm đối tượng côn đồ, tự lập trạm thu phí xe ở bến xe Mỹ Đình. Trong vòng vài tháng, số tiền “cước phí” bọn côn đồ thu được qua trạm kiểm soát kia lên đến… 600 triệu đồng. Người dân muốn yên thân nên bỏ qua, nhưng trách nhiệm của các anh không thể làm ngơ để cho bọn “giang hồ vặt” này hoành hành.
Ngoài trinh sát bằng nhiều vai diễn khác nhau, có lúc anh còn mạo hiểm trực diện bọn tội phạm, lái chiếc xe tải của bố đi qua trạm thu phí đó để kiểm nghiệm hiện trường. Anh giả vờ không chịu nộp tiền, bọn chúng rút ngay chiếc dao nhọn ra cắm phập vào ghế thách thức. Lúc đó, Sơn không hề hoảng sợ, cú thâm nhập thực tế ngoạn mục của một chàng trai trẻ mới vào nghề đã giúp tổ công tác của anh rút ngắn thời gian điều tra và sớm có kế hoạch trấn áp bọn tội phạm. Sau hơn một tháng, cũng trên một chuyến xe tải, anh và đồng đội đã triệt phá gọn bọn tội phạm, giải toả tuyến đường, trả lại sự bình yên cho người dân. Thành công khởi đầu đó đã củng cố thêm niềm tin cho Sơn khi lựa chọn dấn thân vào cái nghề nguy hiểm này.
Nhưng phải đến năm 2004 khi Lê Khắc Sơn chuyển sang đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm thì sở trường của anh mới được phát huy. Sơn liên tiếp cùng đồng đội triệt phá được nhiều vụ án gây chấn động dư luận trong thời gian này. Nhưng ngồi với chúng tôi để nói về công việc của mình, Sơn vẫn khiêm tốn cho rằng, đó là thành quả của cả một tập thể mà cá nhân anh chỉ là một đóng góp nhỏ.
Số 7 Thiền Quang, ngôi nhà khắc tinh của bọn tội phạm, là nơi gửi gắm niềm tin của người dân Thủ đô và cũng là ngôi nhà thứ hai mà Sơn gắn bó hơn 10 năm qua. Đối với những người lính hình sự như Sơn, khó khăn không phải là việc truy bắt tội phạm, dù là đối tượng có vũ khí, nguy hiểm đến tính mạng, mà là sự đau lòng khi phải chứng kiến cảnh máu chảy đầu rơi. Năm 2009, với cương vị là đội phó, Sơn cùng đồng đội đã phá nhiều vụ án gây chấn động dư luận như nhóm giang hồ thanh toán nhau ở phố Đoàn Thị Điểm, vụ cướp tài sản tại khu đô thị Linh Đàm. Thành công của Sơn, với sự trợ giúp của đồng đội đã được đánh giá cao và năm 2009, Sơn đã được nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, một danh hiệu đáng nể đối với những người lính hình sự còn trẻ như Sơn.
Đánh án, nhất là những án mờ, liên quan đến các băng nhóm tội phạm có vũ khí, hoạt động có tổ chức quả thật là một cuộc chiến cam go. Trong vụ thanh toán nhau ở phố Đoàn Thị Điểm, một vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây hoang mang dư luận đã khiến anh cùng đồng đội nhiều đêm thức trắng. Khoảng 4h sáng ngày 4/2/2009, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH nhận được thông tin từ Bệnh viện Việt Đức về một nam giới bị bắn xuyên qua ngực được đưa vào cấp cứu và đã chết.
Hôm đó, Sơn đang trực, được lệnh điều động vào cuộc. Với kinh nghiệm làm án lâu năm, anh cùng tổ công tác nhanh chóng xác định đây là một vụ án nghiêm trọng mà đầu mối duy nhất đã bị giết. Qua việc nắm thông tin ngoài xã hội và lục lại hồ sơ từ vụ bắn năm 2004 ở phố Hàng Cháo, dựng lại chi tiết mối quan hệ giữa các đối tượng, nhất là nhóm Thiết “cù”, đến 9h30 cùng ngày, tổ công tác đã xác định được đối tượng và dựng lại hiện trường vụ án.
Đây là một vụ trọng án liên quan đến quá nhiều những giang hồ cộm cán đất Hà thành như Trần Xuân Ánh (tức Ánh Trình), Đỗ Mạnh Cường (tức Cường chuột), Phạm Văn Thắng (tức Thắng xệ). Vụ thanh toán đẫm máu đã xảy ra ngay trong đêm giữa lòng thành phố với những tiếng nổ chát chúa… Chỉ với một thời gian rất ngắn, 12 đối tượng đã bị các anh bắt và đầu thú, thu giữ 3 khẩu súng và 29 viên đạn các loại.
Trong lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ của Công an Thủ đô năm 2009, Lê Khắc Sơn là một điển hình tiêu biểu được bước lên bục vinh quang. Nhưng Sơn bảo, tất cả mới chỉ là những bước khởi đầu cho một cuộc chiến mà ở đó, dân hình sự như các anh vẫn luôn hiểu rằng không chỉ là sự vinh quang của những chiến công mà còn là sự hy sinh thầm lặng. Bởi trận tuyến đó quả còn quá nhiều những chông gai.